Dù đã góp mặt tại ASIAD nhưng Esport vẫn khó có thể chen chân vào Olympics

Esport đã có một bước tiến dài khi xuất hiện trong các môn thi đấu tại Á Vận Hội ASIAD 2018 (mặc dù không được tính vào thành tích chung của đoàn). Cộng đồng Esport thế giới đang rất mong chờ một ngày nào đó, Esport với những nội dung thi đấu vô cùng hấp dẫn được coi là một môn thể thao chính thức và góp mặt trong các đại hội thể thao lớn trên thế giới. Nhưng theo những thông tin mới đây về vấn đề này thì con đường được công nhận của Esport xem ra còn khá gian nan.

Mặc dù đã có khá nhiều ý kiến cho rằng Esport xứng đáng có những bộ môn tranh tài tại thế vận hội Olympic, nhưng mới đây, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế - Thomas Bach tin rằng điều này sẽ không thể xuất hiện trong tương lai gần. Ông đã lưu ý tới những vấn đề về các yếu tố bạo lực vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đáng chú ý là những phát biểu của ông đến ngay khi nền công nghiệp esports đang phát triển với tốc độ phi mã, cũng như vừa được đưa vào trong thể thức thi đấu của Asian Games 2018.

Những giải đấu lớn của Esport luôn có một lượng lớn khán giả theo dõi

Có một điều không thể phủ nhận đó là Esport đang ngày càng phát triển và trở thành một nền công nghiệp tỷ đô với một lượng người quan tâm và theo dõi khổng lồ. Esport đã có những bước tiến dài khi chính thức được đưa vào thi đấu theo dạng một môn thể thao biển diễn mà thành tích không tính vào bảng tổng soát huy chương chung. Tuy nhiên đó cũng là những cơ sở để các fan Esport tin tưởng vào một ngày nào đó, các bộ môn như Liên Minh Huyền Thoại, Call of Duty, Overwatch, PUBG hay Madden NFL được coi là những bộ môn thể thao chính thức và đưa vào thi đấu trong các đại hội thể thao lớn trên thế giới. 

Hai đại diện của Việt Nam tham gia thi đấu bộ môn PES tại ASIAD 2018

Điều này nhanh chóng dẫn tới khá nhiều ý kiến cho rằng liệu có nên chăng đưa esports trở thành một phần của Thế Vận Hội Olympic. Theo AP, mặc dù Bach thông báo rằng các trò chơi esports sẽ phải đáp ứng khá nhiều điền kiện đòi hỏi nhưng đồng thời cũng khẳng định luôn rằng yếu tố bạo lực sẽ là một trở ngại, khi nó không thể hiện chính xác tinh thần cũng như tầm nhìn của Olympic: "Chúng tôi không thể đưa vào chương trình Olympic một trò chơi mang yếu tố thúc đẩy bạo lực hoặc phân biệt đối xử. Một số trò chơi còn theo dạng sát thủ. Theo quan điểm của chúng tôi, những điều này mâu thuẫn sâu sắc với giá trị Olympic và do đó không thể được chấp nhận".

Ông Thomas Bach không tin vào việc Esport có thể tiến xa hơn tại Thế Vận Hội

Trước thông tin này, nhiều người đã có phản ứng rằng, Olympic cũng tồn tại rất nhiều môn thể thao chiến đấu đối kháng, chẳng hạn như các môn đấu võ hay đấm bốc. Bản thân ông Bach là một nhà vô địch ở bộ môn đấu kiếm, và chắc chắn ông biết rằng đấm bốc cũng là một bộ môn tiêu chuẩn tại Olympic. Theo ông Bach, các bộ môn thể thao chiến đấu kia vẫn được đặt trong tầm kiểm soát ở một chừng mực nào đó, qua đó sẽ không có hoặc hạn chế tối đa các tai nạn hay thương vong. Còn với Esport, dù là ảo đi nữa thì việc "giết nguời" là điều chưa được chấp nhận ở thời điểm này. 

Esport có hệ thống giải đấu lớn, lượng tiền thưởng khổng lồ và đông đảo lượng người theo dõi

Có thể nói những bất đồng về quan điểm có lẽ vẫn sẽ khiến cho con đường tới với Thế Vận Hội của Esport còn khá xa. Tuy nhiên, các fan của thể thao điện tử vẫn không phải quá buồn và quá quan tâm đến Thế Vận Hội làm gì, bởi vì thể thao điện tử vẫn đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Với việc những sự kiện thể thao điện tử lớn như The International, World Championship hay World Electronic Sports Games liên tục được tổ chức đều đặn hàng năm, esport có lẽ không quá cần thiết phải "nhập hội" với thể thao truyền thống nhưng tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa vẫn vô cùng lớn.

 

Bình luận